Bên kia mặt hồ là cánh đồng. Trên cánh đồng còn in lại dấu chân người đàn bà vừa rời khỏi ngôi nhà lão câm. Người ta cho rằng, mặt hồ là miệng ngọn núi lửa thời tiền sử, nó đã phun một lần, thực ra chỉ là cái ngáp vặt khiến một nhúm đất đá bay lên đủ tạo một khoảng lõm nhất định nào đó rồi thôi, và bây giờ thì ngậm miệng, chẳng cớ gì phun mãi. Mùa mưa, nước tràn xuống lấp kín mặt hồ, bèo mọc dày. Trên khoảng lõm ấy, thanh niên nam nữ lâu lâu cũng có mò ra đó than thân trách phận, trò chuyện, bấu véo nhau... Cũng có một vài nhân vật chửa hoang tại hồ, những khối u uất không bao giờ sinh nở vì người ta cho là ô nhục lắm. Rồi từ đó, hồ như dấu ấn ô nhục hay thanh cao của hàng loạt thế hệ đi qua... Thời ấu thơ, ai cũng từng bơi một lần trong hồ; kín kín hở hở hồ đều thấy cả, đôi khi nó sủi bọt như bật cười. Rồi tuần tự theo lứa tuổi người ta rời hồ, xem như đã lớn, mà hồ là bằng chứng tuổi thơ, không tắm ở đó nữa.
Có một nhân vật sau này trở thành huyền thoại của hồ là nàng Thơm. Cô đẹp lắm. Mặt trắng như chén ngọc và một nốt ruồi lệ ngay dưới mí mắt. Nhưng đó không phải là tất cả. Cái người ta nhớ đến cô là vẻ bẽn lẽn, ngơ ngác và một chút bạc phần. Nhiều thế hệ sau sinh tại hồ như phảng phất một nỗi buồn vu vơ không cắt nghĩa, như sự hoài nhớ được truyền lại trong máu thịt hình ảnh không còn của cô. Lúc đầu không ai nghĩ như vậy vì sự đè nặng đó vô căn cứ quá. Nhưng rồi nỗi ám ảnh thật sự trở đi trở lại trong mắt bọn trẻ và đến một lúc nào đó người ta phải công nhận, cô là con quỉ đa tình. Cô thâm nhập vào tâm hồn bọn trẻ sâu đến độ chúng luôn có cảm giác đã nhìn thấy cô mặc dù chúng chưa nhìn thấy cô lần nào. Cảm giác đó lan rộng trong làng nảy sinh ra nhiều bi kịch, hàng loạt sự kiện ra đi không quay về, hàng loạt đứa trẻ bảnh mắt ra đã buồn héo hắt. Chúng ngơ ngác chẳng hiểu vì sao lại là như vậy. Câu chuyện về cô cứ thế được truyền qua miệng những người đàn ông nhậu say. Nâng chén rượu người ta thấy hình bóng cô phảng phất trong đó, tóc mướt mượt, răng trắng và vẻ duyên thầm. Từ cô, rượu đã được ban một phép màu, càng uống say người ta càng nhìn thấy cô và rượu càng ngọt. Và cũng từ đó người ta nghiệm ra, giữa rượu và sắc đẹp luôn có mối liên hệ đặc biệt với nhau. Khi uống rượu nhu cầu thưởng thức cái đẹp tăng lên, nó gần như trở thành thú tính về sự thưởng thức, và họ thèm khát lắm. Để tìm đến cái đẹp chỉ có một con đường duy nhất là uống rượu. Nó là mối thông đồng vừa có tính hủy hoại lại vừa mang sắc màu giải thoát. ở vùng hồ, cái đẹp bị giới hạn như sự hiểu biết của người, tức là sự quẩn quanh, bao nhiêu năm tháng chôn vùi bao nhiêu thế hệ quẩn quanh nên cái đẹp của họ mang tính tự thân hơn là sự so sánh. Họ như kẻ tự bịt mắt mình, cái nhìn thấy chỉ là lòng bàn tay, bàn tay năm ngón ngón cụt ngón què, và trong tập hợp ngón họ yêu đại một ngón nào đó ví dụ như ngón út chẳng hạn. Và vì yêu thích, họ đắp cho nó thêm thịt thêm xương cho đến lúc nó to bằng ngón cái. Và từ đó, họ có hai ngón cái trong một bàn tay như kẻ dị dạng.
Và để xoa dịu cảm giác quái gở trên, họ uống rượu để nuôi ảo tưởng về cái đẹp. Nàng Thơm là một sản phẩm được tạo thành từ cuộc hôn phối đó.
Nàng chẳng đẹp gì, nhiều người già sau này nhìn nhận lại công nhận như vậy, nhưng tại sao họ cứ bị mê hoặc và đánh mất quyền phán xét thì chính bản thân họ lúc đó không tài nào hiểu nổi. Họ cứ bắt buộc mình phải tự nuôi ảo tưởng thêm. Rượu là kẻ cho họ niềm tin khi nó xác định nàng đẹp lắm, như thế mới có lý chứ, mới cả một thế hệ cuồng nhiệt si mê chứ ! Họ không chệch choạc trong cái nhìn.
Câu chuyện tự đánh lừa cứ thế tăng lên cho đến một hôm có một kẻ nào đó thốt lên, nàng Thơm thật xấu, xấu lắm; lúc đó người ta mới hưởng ứng theo, ừ, cũng tàm tạm thôi, chẳng gì ghê gớm; và mọi người cười vui vẻ mà xí xóa cho nhau.
Huyền thoại về nàng Thơm kết thúc như vậy. Nhưng đi đến đoạt kết đó phải chục năm sau, lúc vẻ đẹp tự thân mọc đầy ở vùng lòng hồ, có hàng vạn cái đẹp khác nhan nhãn trước mắt khiến không cần thiết phải ao ước nữa về một nàng Thơm. Và nếu như có kẻ nào đó kể về nàng thì mọi người bật cười hô hố và tự hỏi, tại sao có một thế hệ mơ màng, ấu trĩ đến thế. Nó có vẻ khờ dại và tội nghiệp nữa. Người ta bật cười rồi quên.
Cái đêm bi kịch trong đời nàng Thơm trở thành ký ức phai mờ trong họ. Có chăng chỉ là mùi Hoàng Lan thoang thoảng hai bên bờ hồ. Một bờ hồ đầy trăng. Sau này tổng kết lại, người ta cảm thấy mọi bi kịch xảy ra ở vùng hồ đều có ánh trăng xen vào và một tiếng thét lớn.
Khi cả làng đổ ra hồ, cái người ta nhớ nhất là làn sương mỏng mờ **c bao phủ một khoảng không gian trắng, trắng lắm; những tiếng người cười nói lùi xa như vọng từ bên kia màn sương. Và nàng Thơm nằm đó; da thịt bày biện ra đất như muốn chảy tràn, như sóng vun; Rồi toàn bộ cái khối lượng to lớn đó được che chắn bằng những sợi tóc dài. Tóc nàng dài lắm, dài khủng khiếp, dài đến độ dị thường. Nó cũng chính là thứ ma thuật mà sau này trở đi trở lại trong ký ức những người ở đầm về một cơ thể được trộn đều trong tóc. Và từ những sợi tóc đó phả ra mùi Hoàng Lan.
Thật khủng khiếp ! Cái người ta mường tượng khi đi cứu người bị hãm hiếp không phải là cảnh sóng soài vì bị cấu xé, không phải máu trộn lẫn nước mắt, cũng không phải đất cát tứ tung của chiến trường mà lại là một mùi Hoàng Lan vô cùng dễ chịu. Dễ chịu đến nỗi khiến họ ngây ngất chập chờn lay động như vừa chạm đến một cái chốn êm; và những con rắn trong người họ bò ra, phun nọc vào vết thương kẻ khác. Nó còn xấu xa hơn cái điều đê tiện kia, và trong họ, cảm giác vừa đồng lõa với tội ác dâng lên khiến họ rùng mình. Như một kẻ ăn thịt người, họ vừa chống trả lại vừa nhấm nháp cái mùi từ thân thể người đàn bà kia toát ra. Họ kinh tởm mình, hoảng sợ mình. Từ đó, Hoàng Lan là nỗi ám ảnh lớn của họ. Có người bảo, nhiều năm về sau, đêm trăng nào họ cũng xông ra hồ vì mùi Hoàng Lan xộc vào nhà thơm lắm, thơm không chịu nổi. Người ta chạy ra hồ như kẻ mộng du. Rồi nhảy ùm xuống hồ, đánh đấm túi bụi. Nước dưới hồ thơm lắm, thơm gắt, thơm muốn nôn mửa.